Sàn không dầm là một giải pháp cải tiến mang lại hiệu quả cao trong xây dựng phần thô của công trình. Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian xây dựng và linh hoạt trong thiết kế, sàn bê tông không dầm còn có khả năng chịu lực tốt hơn so với sàn dầm truyền thống. EnHome sẽ giúp bạn hiểu thêm về đặc điểm, ưu, nhược điểm và các bước thi công sàn không có dầm bằng bài viết dưới đây.
Sàn không dầm là gì?
Sàn không dầm (hay còn gọi là sàn nấm) là loại sàn liên kết trực tiếp với hệ cột trụ đỡ của công trình mà không cần sử dụng các thanh dầm ngang, dầm dọc để đỡ ở bên dưới. So với sàn dầm truyền thống, sàn không có dầm ra đời muộn hơn và được coi là một giải pháp cải tiến hơn, hữu ích trong việc tiết kiệm không gian, tạo sự thông thoáng và thẩm mỹ hơn. Loại sàn này thường được áp dụng nhiều với nhà ống.
Kết cấu sàn không dầm
Kết cấu của sàn nấm khá đơn giản, gồm các phần chính là:
- Tấm thép lưới ở phía trên
- Bóng hoặc hộp rỗng được làm từ nhựa tái chế
- Tấm thép lưới ở phía dưới
Hệ sàn này hoạt động theo hai hướng, thông qua việc kết nối trực tiếp các khối rỗng và thép, thép sẽ định vị các khối rỗng tại các vị trí cố định và chính xác. Còn các bóng rỗng và hộp rỗng sẽ giảm bớt lượng bê tông cốt thép không cần thiết của toàn bộ kết cấu sàn. Từ đó, giúp giảm tải trọng lên cột móng, giảm chi phí vật liệu và tối ưu hóa công năng sử dụng của công trình, mang lại hiệu quả cao trong thi công phần thô và xây dựng công trình.
Ưu, nhược điểm của sàn không dầm
Ứng dụng sàn không dầm vào thi công được nhiều chủ đầu tư lựa chọn bởi khả năng chịu lực cao, thi công nhanh cũng như cách âm, cách nhiệt tốt. Ngoài ra, sàn cũng có nhiều nhược điểm mà khi thi công cần chú ý. Dưới đây là các ưu, nhược điểm khi dùng sàn không dầm trong xây dựng.
Ưu điểm sàn bê tông không dầm
- Sàn bê tông không dầm có khả năng chịu lực cao và giúp giảm tải trọng xuống móng. Sàn có độ cứng, chống uốn đạt gần 87%, gần bằng sàn bê tông đặc. Có thể chịu được tải trọng gấp đôi kể cả khi cắt giảm đến 65% trọng lượng bê tông và 50% lượng bê tông sử dụng.
- Giảm chiều cao công trình vì không sử dụng dầm, tăng chiều cao tầng nhà, giúp không gian rộng rãi hơn.
- Áp dụng được cho nhiều loại nhà ở, công trình khác nhau, đồng thời cách âm, cách nhiệt tốt.
- Thuận lợi trong việc bố trí, điều chỉnh vị trí hệ thống thiết bị, kỹ thuật (như các thiết bị điện, đường ống,…)
- Thi công nhanh do kết cấu sàn không dầm khá đơn giản. Chỉ cần lắp đặt, ván khuôn, cốt thép dễ bố trí.
- Sàn bê tông không dầm còn thân thiện với môi trường nhờ sử dụng vật liệu tái chế và giảm được tài nguyên sử dụng trong quá trình thi công.
Nhược điểm sàn bê tông không dầm
- Trong quá trình thi công, nếu không kiểm soát chất lượng của cốp pha tốt, sẽ gây ra xô lệch bề mặt hoặc đẩy nổi tấm sàn. Dẫn đến tăng chiều dày của sàn so với thiết kế, làm cho lớp bảo vệ bê tông trên cùng trở nên quá mỏng và gây ảnh hưởng đáng kể đến kết cấu sàn không dầm.
- Các vấn đề về rỗ đáy có thể xuất hiện khi tháo ván khuôn, tạo ra những vị trí nhìn thấy đáy bóng rỗng. Điều này gây mất thẩm mỹ của công trình và ảnh hưởng đến chất lượng sàn.
- Việc tính toán và xây dựng các phương án chịu lực của sàn bê tông không dầm khá phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao và thực hiện kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng của sàn.
Các loại sàn không dầm cơ bản
Hiện nay, trong xây dựng có nhiều loại sàn không dầm cơ bản như sàn phẳng Tbox, sàn không dầm Uboot, sàn bóng BubbleDeck… Mỗi loại sàn sẽ có những đặc điểm, tính năng riêng. Dưới đây là chi tiết về các loại sàn không dầm phổ biến.
Sàn phẳng Tbox
Sàn Tbox là một dạng sàn phẳng không dầm sử dụng các hộp nhựa Tbox làm từ polypropylene. Các hộp nhựa Tbox nhẹ, dễ xếp chồng và lắp đặt, giúp giảm thời gian thi công. Cùng với các mô đun có kích thước linh hoạt, chúng có thể thay đổi tùy theo bước nhịp và tải trọng của công trình, giải quyết được những hạn chế của các loại sàn khác. Sàn phẳng Tbox được ứng dụng trong nhiều công trình với quy mô khác nhau như từ nhỏ đến lớn như: Nhà ở, trường học, cao ốc, siêu thị, bãi để xe, nền móng nhà, sàn tiền chế, nhà máy, xí nghiệp,…
Sàn không dầm Uboot
Sàn Uboot (hay còn được gọi là sàn nhựa rỗng) là dạng sàn nhẹ không dầm sử dụng hộp Uboot được sản xuất từ nhựa PP hoặc nhựa composite. Sàn nhựa rỗng được thiết kế với một hệ thống rỗng bên trong, tạo ra các khe hở giữa các tấm sàn, các khe hở này giúp cho sàn trở nên nhẹ hơn so với các loại sàn nhựa khác và dễ dàng lắp đặt hơn. Ngoài ra, sàn nhựa rỗng còn có khả năng chịu lực tốt và chống mối mọt, không bị phồng, co rút hoặc nứt nẻ khi sử dụng trong môi trường ẩm ướt. Thường áp dụng cho các công trình như nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn và nhà hàng. Cũng có thể sử dụng trong các ứng dụng trang trí, thiết kế nội thất để tạo ra các tấm vách ngăn, trần nhà, sàn gỗ giả,…
Sàn bóng BubbleDeck
Sàn BubbleDeck là sàn phẳng không dầm, sử dụng những quả bóng nhựa tái chế để thay thế phần bê tông không chịu lực ở phần giữa của bản sàn. Giúp giảm trọng lượng kết cấu và tăng khả năng vượt nhịp lên đến khoảng 50%. Tốc độ hoàn thành sàn bóng rất nhanh chóng, vì tấm sàn và thép đều được gia công tại xưởng, chỉ cần lắp ghép và đổ bê tông tại công trường.
Các bước thiết kế, thi công sàn không dầm
Thiết kế và thi công sàn bê tông không dầm được thực hiện qua các bước sau đây:
- Bước 1: Gia công và lắp đặt hệ thống cốp pha sàn theo bản vẽ thiết kế để đảm bảo độ chính xác và chất lượng của sàn.
- Bước 2: Lắp đặt các loại thép như dầm, dầm bo sàn xung quanh, các chi tiết chờ, thép sàn lớp dưới và thép gia cường lớp dưới. Đồng thời lắp đặt con kê để đảm bảo độ dày của lớp bê tông theo thiết kế.
- Bước 3: Lắp đặt cốp pha và liên kết chúng bằng thanh nối giữa 2 hộp. Đặt, cố định hộp và buộc cố định thép gia cường lớp dưới vào các rãnh hộp theo thiết kế.
- Bước 4: Gia công và lắp đặt thép lưới lớp trên, thép chống cắt, chống chọc thủng, thép mũ cột và các loại thép gia cường khác theo thiết kế.
- Bước 5: Đổ bê tông lớp 1 vào giữa khe 2 hộp và sử dụng đầm dùi để đảm bảo bê tông chèn kín phần đáy hộp.
- Bước 6: Sau khi lớp bê tông thứ nhất đủ se cứng để giữ được hộp, đổ bê tông lớp thứ 2 để hoàn thiện bề mặt sàn.
- Bước 7: Bảo dưỡng bê tông theo đúng yêu cầu và thời gian quy định để đảm bảo chất lượng sàn.
- Bước 8: Khi kết cấu bê tông đủ độ cứng theo yêu cầu, tháo dỡ cốp pha cẩn thận để kiểm tra kết cấu bê tông và bề mặt sàn, sửa chữa nếu cần thiết.
Một số câu hỏi liên quan đến sàn không dầm
Khi lựa chọn thi công các loại sàn không dầm cho công trình, chủ đầu tư vẫn còn nhiều thắc mắc liên quan đến đặc điểm, công năng của loại sàn này. Dưới đây là giải đáp chi tiết một số câu hỏi liên quan đến sàn không dầm.
Sàn bê tông nhẹ có phải là sàn không dầm không?
Sàn bê tông nhẹ không phải sàn không có dầm. Sàn bê tông nhẹ đang được ứng dụng phổ biến hiện nay và có các loại như bê tông khí, bê tông nhẹ EPS. Bê tông nhẹ thường bị hiểu lầm là các giải pháp thi công sàn không có dầm. Tuy nhiên, thực tế loại sàn này có dầm, dầm ở đây có thể là dầm sắt hoặc dầm sàn truyền thống. Sàn bê tông nhẹ chủ yếu được ứng dụng trong các công trình xây dựng dân dụng.
Sàn không dầm có chiều dày bao nhiêu?
Thông thường, độ dày của sàn bê tông không dầm dao động trong khoảng từ 180mm, 230mm đến 280mm. Còn đối với các công trình đặc thù, để đảm bảo an toàn thì độ dày của sàn có thể lên đến 340mm, 390mm, 450mm. Độ dày của sàn không dầm tại mỗi công trình có thể chênh lệch khá lớn do sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố xây dựng như: Kích thước, khoảng cách giữa các nhịp, tải trọng của công trình, chiều cao của công trình. Dựa trên những yếu tố này, đơn vị thi công sẽ tính toán chiều dày sàn phù hợp nhất với công trình.
Xây tường trên sàn không có dầm được không?
Xây tường trên sàn không có dầm là hoàn toàn có thể. Vì sàn không dầm luôn sử dụng thép với mật độ dày hơn so với sàn dầm. Điều này cho phép tường có thể được xây trực tiếp trên sàn mà không cần sử dụng dầm vì luôn có thép ở dưới để hỗ trợ.
Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về sàn không dầm. Nếu đang có ý định xây dựng nhà ở thì đây là sẽ là một phương pháp tốt mà bạn nên lựa chọn. Liên hệ với EnHome qua hotline 0797 986 288 nếu bạn còn bất kì thắc mắc nào và để được tư vấn MIỄN PHÍ nhé!